Những ngày đầu xuân, về các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, qua những vườn cà phê, người đi đường sẽ được ngắm những những vườn, rẫy cà phê nở hoa trắng muốt. Hoa cà phê không chỉ đẹp, hương thơm dịu nhẹ, mà còn là món ăn, thức uống mới lạ, độc đáo.
Sau Tết Nguyên đán, hoa cà phê nở trắng nương rẫy, trên các sườn đồi, tạo nên những đồi tuyết tuyệt đẹp dưới ánh nắng vàng rực, những đàn ong di cư đổ về các rẫy cà phê tìm mật. Đây chính là mùa đẹp nhất Tây Nguyên.
Bà Lê Thị Hằng, xã Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Để bảo vệ cây và bảo đảm khả năng nuôi trái, người trồng cà phê thường cắt tỉa bớt một số cành nhỏ, kể cả khi cà phê đang nở hoa, để cho cây được thoáng. Vì thế, đợt cắt cành dịp hoa nở đồng nghĩa với việc sẽ cắt đi một lượng lớn hoa cà phê.
Trước đây, số hoa cà phê người nông dân cắt tỉa sẽ bỏ đi, nhưng những năm gần đây, một số công ty, hợp tác xã đã nghiên cứu tận dụng hoa cà phê để làm trà. Tuy nhiên, người ta chỉ chọn hoa ở những vườn cà phê hữu cơ, an toàn để chế biến thành trà hoa cà phê.
Một số hình ảnh ghi nhận ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk:
Sở hữu vườn cà phê hữu cơ được cấp chứng nhận, anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công, ở Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu, sử dụng hoa cà phê chế biến thành trà.
Anh Vương chia sẻ: Thông thường sau khi thu hoạch, nông dân sẽ cắt tỉa cành chăm sóc cây, rồi tưới nước cho hoa bung nở, nhưng mình thì tưới nước cho hoa nở mới cắt tỉa cành, rồi thu hoạch hoa từ những cành cà phê cắt bỏ để làm trà. Các thành viên của công ty thu hoạch hoa từ 4h đến 8h sáng, khi những bông hoa nhỏ mới chúm nở, ong chưa còn chưa hút mật.
“Trà hoa cà phê thơm dịu, vị dễ uống có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, uống trà hoa cà phê giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn. Bên cạnh đó, trà hoa cà phê cũng mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người trồng cà phê. Tuy nhiên, để làm trà hoa, vườn cà phê phải sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn”, anh Vương cho biết thêm.
Ngoài vườn cà phê của gia đình, anh Vương liên kết với nhiều hộ dân sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ trong tỉnh để có vùng nguyên liệu bảo đảm. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thu hoạch, sơ chế, phơi sấy hoa cà phê bảo đảm chất lượng.
Hoa cà phê hương thơm nồng nàn, đặc trưng, hoa cà phê ngoài việc dùng làm trà, còn là món ẩm thực độc, lạ. Sáng tạo ra lẩu hoa cà phê thu hút nhiều thực khách, chị Nguyễn Thị Kim Thanh ở TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Món ăn này chỉ có thể phục vụ khách vào mùa hoa cà phê nở từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Hoa cà phê được sử dụng làm lẩu là hoa tươi, thu hái khi hoa mới nở vẫn còn đọng lại vị ngọt của mật.
Hoa cà phê rất dễ bay mùi, để làm ra món ăn giữ trọn mùi thơm hoa cà phê rất khó, mình dành nhiều thời gian vừa làm vừa nghiên cứu. Lẩu hoa cà phê là món ăn thuần chay, nên nước dùng cho lẩu có sự kết hợp của các loại rau củ hầm nhiều giờ để lấy vị ngọt thanh tự nhiên. Đồng thời, thêm một số loại trái cây để mùi thơm nồng nàn đặc trưng của hoa cà phê thêm đậm đà.
Nguyên liệu hoa cà phê làm lẩu, là những hoa không nuôi trái không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê. Chị Thanh đang có một vườn cà phê khoảng 1 sào để cung cấp nguồn hoa sạch cho nhà hàng làm món lẩu. Ngoài ra, chị còn kết hợp với các nông trại trồng cà phê hữu cơ để có đủ nguồn liệu phục vụ thực khách vào dịp Tết.
Trích nguồn:
https://baodantoc.vn/nong-nan-huong-sac-hoa-ca-phe-1708931394413.htm