Thành lập từ 2015 đến nay, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công là doanh nghiệp sản xuất cà phê đầu tiên ở Đắk Lắk được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, là doanh nghiệp có nhiều hoạt động tích cực tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Phóng viên Tạp chí Quản lý nhà nước đã phỏng vấn ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty về vấn đề này.
Ông Lê Văn Vương – Giám đốc Công ty với trăn trở sản xuất cà phê hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột.
Phóng viên (PV): Được biết, ông là người tiên phong trong sản xuất cà phê hữu cơ và là người sản xuất cà phê đầu tiên ở Đắk Lắk được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Động lực nào giúp ông lập nghiệp từ cà phê hữu cơ?
Giám đốc Lê Văn Vương: Trên hành trình đi tìm hướng đi mới cho thương hiệu cà phê của mình, tôi bị thu hút bởi chia sẻ của các nhà khoa học uy tín về nông nghiệp ở Việt Nam và quốc tế về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, một hướng đi mới trong nông nghiệp mà thế giới đang hướng tới. Từ đó, tôi tìm hiểu sâu hơn về hướng đi này. Cùng với mong mỏi cải tạo đất, cải thiện nguồn nước, khí hậu vùng trồng cà phê trên nền đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột tuy màu mỡ nhưng cũng đã có những dấu hiệu xuống cấp do tập quán canh tác cũ. Tôi đã thử nghiệm ứng dụng mô hình trồng và sản xuất cà phê hữu cơ trên diện tích 1,4 ha rẫy của gia đình tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Chỉ sau vài tháng thí điểm, chuyên canh cà phê theo quy trình hữu cơ đã giúp cây phát triển khoẻ mạnh hơn, lá xanh hơn, trái chín mọng và đều hơn, vì thế năng suất cao hơn, cho ra sản phẩm chất lượng hơn và tất nhiên là an toàn hơn. Bên cạnh trái cà phê, tôi còn có thể tận dụng vỏ cà phê để làm rượu vang và trà Cascara; hoa cà phê để làm trà hoa cà phê, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Có thể khẳng định rằng, cà phê hữu cơ là xu hướng tất yếu mà người trồng và sản xuất cà phê đều phải hướng tới nếu muốn phát triển bền vững.
PV: Theo ông, cà phê Buôn Ma Thuột có điểm gì khác với cà phê ở những địa phương khác?
Giám đốc Lê Văn Vương: Cà phê là một thức uống thân thuộc với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, có mặt ở khắp các vùng, miền với nhiều phong cách khác nhau. Nhưng có lẽ, một lần thưởng thức cà phê ở xứ sở nắng gió Buôn Ma Thuột sẽ khiến mọi người cảm thấy khác biệt, bởi ngoài vị cà phê thơm, còn trong đó là hương của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chính đất đỏ bazan, độ cao phù hợp, hoà điệu với nắng gió Tây Nguyên đã tạo ra sự đặc trưng riêng của cà phê Buôn Ma Thuột. Qua nhiều năm làm trong ngành Cà phê và xây dựng thương hiệu cà phê Vương Thành Công, tôi nhận ra, cà phê Buôn Ma Thuột đậm đà hơn, thơm hơn, hậu vị ngọt hơn, hàm lượng cafein cao hơn nơi khác.
PV: Vương Thành Công đã chuẩn bị gì cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8?
Giám đốc Lê Văn Vương: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là dịp tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến cà phê và cũng là dịp giới thiệu, quảng bá thương hiệu cà phê, văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột. Là doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn, Vương Thành Công xác định đây là cơ hội, cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương, với ngành Cà phê Việt Nam. Từ những ngày đầu, Vương Thành Công đã đăng ký với Ban Tổ chức Lễ hội nội dung phục vụ trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội trưng bày giới thiệu quảng bá cà phê và các sản phẩm từ cà phê; trưng bày máy rang, máy xay và máy pha cà phê; tham gia, trưng bày, pha cà phê và giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị xoay quanh Lễ hội; xây dựng chiến lược truyền thông, sản phẩm, tuyển cộng tác viên và đào tạo chuyên sâu kiến thức về cà phê cho đội ngũ ít nhất 2 lần trước khi diễn ra Lễ hội.
PV: Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, Vương Thành công đã triển khai được những hoạt động nổi bật nào?
Giám đốc Lê Văn Vương: Nhờ được định hướng cụ thể của Ban Tổ chức Lễ hội, Vương Thành Công đã đăng ký phục vụ cà phê miễn phí tại quán cà phê OCOP của Công ty và 4 gian hàng pha cà phê miễn phí tại các hội chợ của Lễ hội. Tổng số ly cà phê phục vụ khoảng 11.000 ly. Bên cạnh đó, Vương Thành Công còn bố trí các tour tham quan quy trình chăm sóc, thu hoạch hoa cà phê, trái cà phê ngay tại vườn; hướng dẫn du khách tự trải nghiệm quy trình rang, xay và pha cà phê tại khu trưng bày của công ty.
PV: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề:“Cà phê Buôn Ma Thuột – Kết nối đam mê và khát vọng phát triển” trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê lần thứ 8 có mở ra cho Vương Thành Công hướng đi mới nào không?
Giám đốc Lê Văn Vương: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với sự tham dự của 450 đại biểu đến từ 170 đơn vị, gồm đại diện các nhà nhập khẩu; nhà phân phối; nhà rang xay; sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê trong và ngoài nước, các tổ chức kinh tế. Tại Hội nghị, Vương Thành công có trưng bày gian hàng giới thiệu các mặt hàng của Công ty. Qua Hội nghị, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê. Đây cũng là dịp giúp Vương Thành Công khẳng định chất lượng các sản phẩm của mình và là bước đà quan trọng giúp chúng tôi tự tin đưa các sản phẩm của Công ty ra thị trường quốc tế.
PV: Ông có đánh giá gì về các hoạt động diễn ra trong Lễ hội Cà phê lần này?
Giám đốc Lê Văn Vương: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới” với nhiều hoạt động mới, đặc sắc, được đầu tư công phu, chuyên nghiệp hơn. Lễ hội giúp người trồng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê kể câu chuyện của mình; khẳng định giá trị đích thực của cà phê Buôn Ma Thuột đến du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Lễ hội còn là nơi tôn vinh các nét đẹp truyển thống, văn hóa của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất chuyên canh cây cà phê.
PV: Vương Thành Công đã nhận được gì từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8?
Giám đốc Lê Văn Vương: Vương Thành Công nhận được rất nhiều giá trị từ Lễ hội cà phê lần này: ngoài việc quảng bá thương hiệu cũng như các sản phẩm của Công ty, Lễ hội còn là dịp để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết các bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê. Qua Lễ hội, Vương Thành Công tự tin hơn, quyết tâm hơn trong việc đưa các sản phẩm của Công ty hội nhập.
PV: Hiện tại Công ty có bao nhiêu sản phẩm sẵn sàng hội nhập?
Giám đốc Lê Văn Vương: Hiện nay, Công ty Vương Thành Công có 7 sản phẩm: cà phê nhân robusta; cà phê nhân Arabica; cà phê hạt rang; cà phê bột hữu cơ, cà phê bột OCOP 4 sao, trà cacara (trà từ vỏ cà phê hữu cơ) và trà hoa cà phê. Tất cả các sản phẩm đều bảo đảm chất lượng, được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận.
PV: Vương Thành Công có dự định gì trong thời gian tiếp theo để nâng tầm cà phê Buôn Ma Thuột, cùng với tỉnh Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà phê của thế giới”?
Giám đốc Lê Văn Vương: Nhiệm vụ nâng tầm cà phê Buôn Ma Thuột và đề án xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà phê của thế giới” là một chủ trương lớn của tỉnh Đắk Lắk cần sự chung tay của toàn thể người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Đối với Vương Thành Công, trong thời gian tới Công ty dự định mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao, trang bị thêm máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ cho các quy trình sản xuất, chế biến cà phê nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
PV: Ông có đề xuất gì với tỉnh Đắk Lắk nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn?
Giám đốc Lê Văn Vương: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn, là động lực giúp các doanh nghiệp chủ động đưa cà phê Buôn Ma Thuột ra các thị trường trong và ngoài nước. Để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học – kỹ thuật phục vụ nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới từ cà phê; hỗ trợ điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm mới, đặc trưng cho các doanh nghiệp cà phê; phát triển ngành du lịch trải nghiệm mô hình sản xuất cà phê khép kín cho du khách tham quan trải nghiệm.
PV: Cảm ơn ông. Chúc thương hiệu cà phê Vương Thành Công khẳng định giá trị, vươn xa thị trường quốc tế.